Với mong muốn giúp các em có thêm nhiều kiến thức về khu vực Đông Nam Á, ban biên tập kienthucthpt.com đã tổng hợp kiến thức về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – Bài 13 Địa lí 11 – Kết nối tri thức. Mời các em cùng tham khảo!
Cờ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean)
Mục tiêu và cơ chế hoạt động của ASEAN
Mục tiêu
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục I và kiến thức đã học ở bài 9, hãy:
– Nêu mục tiêu của ASEAN.
– So sánh mục tiêu của ASEAN với EU.
Lời giải chi tiết:
Mục tiêu của ASEAN
– Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa các nước thành viên, thu hẹp khoảng cách phát triển.
– Thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực, duy trì một khu vực không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt.
– Thúc đẩy hợp tác, tích cực và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước thành viên về các vấn đề cùng quan tâm (kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học,…).
– Duy trì hợp tác chặt chẽ cùng có lợi giữa ASEAN với các nước hoặc tổ chức quốc tế khác.
– Mục tiêu chung là đoàn kết và hợp tác vì một ASEAN hòa bình, an ninh, ổn định, cùng phát triển.
So sánh mục tiêu của ASEAN và EU
Giống nhau:
– Liên minh, hợp tác cùng phát triển về kinh tế – văn hóa – xã hội.
– Hợp tác, phát triển để tăng khả năng cạnh tranh với các nước ngoài khối.
Khác nhau:
– EU là tổ chức liên kết châu lục, hợp tác toàn diện và có ảnh hưởng lớn. ASEAN là tổ chức liên kết khu vực và đang phát triển.
– EU chủ trương liên kết về kinh tế, sau đó mới liên kết về chính trị, đối ngoại, an ninh chung (đặc biệt là có sử dụng chung đồng tiền Euro). ASEAN liên kết về kinh tế, chính trị.
Cơ chế hoạt động
Câu hỏi: Dựa vào thông tin trong mục 2, hãy trình bày về cơ chế hoạt động của ASEAN
Lời giải chi tiết:
– Cơ chế hợp tác rất phong phú và đa dạng: thông qua các diễn đàn, các hiệp ước, tổ chức hội nghị, các dự án và chương trình phát triển; xây dựng “Khu vực thương mại tự do ASEAN”; và thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao của khu vực.
Một số hợp tác của ASEAN
Hợp tác đa chiều giữa các nước ASEAN
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục II, hãy trình bày một số hợp tác về kinh tế, văn hóa, y tế giữa các nước ASEAN.
Lời giải chi tiết:
Hợp tác về kinh tế
– Hợp tác nội khối:
- Thông qua các diễn đàn như Diễn đàn Kinh tế ASEAN.
- Thông qua các hiệp ước, hiệp định như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
- Thông qua các cuộc hội nghị như Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN.
- Thông qua các chương trình, dự án như hợp tác giữa các nước thành viên về phát triển giao thông vận tải.
– Hợp tác ngoại khối:
- Các quốc gia ASEAN đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác kinh tế với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, thông qua:
- Triển khai nhiều hình thức liên kết kinh tế, thương mại với nhiều đối tác lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU,…
- Thành lập các quỹ hợp tác khu vực và quốc tế như Quỹ hợp tác đầu tư ASEAN – Trung Quốc, Quỹ liên kết ASEAN – Nhật Bản, Quỹ hợp tác ASEAN – Hàn Quốc,…
– Hợp tác về văn hóa
- Hợp tác về văn hóa thông qua xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) với mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN hài hòa, đoàn kết, chia sẻ và hướng tới người dân.
- Hợp tác văn hóa ASEAN hướng tới xây dựng một cộng đồng văn hóa “thống nhất trong đa dạng”. Các hoạt động hợp tác tiêu biểu: Diễn đàn Văn hóa Thanh niên ASEAN, Dự án hợp tác văn hóa đa dân tộc ASEAN, Liên hoan Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN, Liên hoan Phim ASEAN,…
– Hợp tác về y tế, giáo dục
- Các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng thường xuyên được trao đổi thông tin, cải cách thể chế, phát triển các quan hệ đối tác được Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục (ASED) giám sát.
- Hình thành các mạng lưới trường đại học, tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục,… Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia ngoài ASEAN, đặc biệt là các quốc gia Đông Á.
- Về y tế, các quốc gia đã thành lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực (năm 2020), Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19,…
>> Xem thêm: Một số vấn đề an ninh toàn cầu
Thành tựu và thách thức
Thành tựu và thách thức của ASEAN
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục III, hãy phân tích các thành tựu và thách thức của ASEAN.
Lời giải chi tiết:
Thành tựu
– Về kinh tế
- Đây là lĩnh vực có những bước tiến quan trọng và hiện là động lực đẩy nhanh tiến trình liên kết khu vực.
- ASEAN đã trở thành một khu vực kinh tế năng động và có tốc độ phát triển cao trên thế giới.
- Tiếp đó, ASEAN đã xác định 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập sớm để đẩy mạnh hơn nữa thương mại nội khối.
- Kim ngạch thương mại nội khối hiện đạt khoảng 300 tỷ USD và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN.
– Về chính trị – an ninh
- Đây là lĩnh vực có nhiều hoạt động hợp tác nổi trội và là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực.
- Sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước thành viên ASEAN ngày càng gia tăng thông qua nhiều hoạt động đa dạng, trong đó có việc duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, nhất là giữa các vị lãnh đạo cấp cao.
- ASEAN cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác với nhau và với các đối tác bên ngoài thông qua nhiều khuôn khổ, hình thức và biện pháp khác nhau, nhằm đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, bệnh dịch,…
– Về văn hóa – xã hội
- Các hoạt động hợp tác chuyên ngành ngày càng được mở rộng với rất nhiều chương trình/dự án khác nhau trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học – công nghệ, môi trường, y tế, phòng chống ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, HIV/AIDS, bệnh dịch…
- Các hoạt động hợp tác này đã hỗ trợ cho các nước thành viên nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề liên quan, đồng thời giúp tạo dựng thói quen hợp tác khu vực, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng ASEAN.
Thách thức
– Đến nay, ASEAN vẫn là một hiệp hội khá lỏng lẻo, tính liên kết khu vực còn thấp; sự đa dạng vẫn còn lớn, nhất là về chế độ chính trị-xã hội và trình độ phát triển giữa các nước thành viên.
– ASEAN đề ra nhiều chương trình và kế hoạch hợp tác nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế; tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động cồng kềnh, kém hiệu quả, nhất là việc tổ chức và giám sát thực hiện cam kết.
– Việc duy trì đoàn kết và thống nhất ASEAN cũng như vai trò chủ đạo của Hiệp hội ở khu vực thường gặp không ít khó khăn và thách thức, do tác động của nhiều nhân tố khác nhau.
– Tình hình nội bộ của một số nước cũng như quan hệ giữa các nước thành viên với nhau thường nảy sinh những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến đoàn kết, hợp tác và uy tín của ASEAN.
>> Xem thêm: Bài 12: Kinh tế khu vực Đông Nam Á
Sự hợp tác và vai trò của Việt Nam trong ASEAN
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục IV, hãy:
– Chứng minh sự hợp tác đa dạng của Việt Nam trong ASEAN.
– Nêu vai trò của Việt Nam trong ASEAN
Lời giải chi tiết:
Sự hợp tác đa dạng của Việt Nam với ASEAN
– Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hợp tác ở tất cả các lĩnh vực của ASEAN như kinh tế, văn hóa, khai thác tài nguyên và môi trường, an ninh khu vực,…
– Về kinh tế: Xây dựng và triển khai các thỏa thuận hợp tác kinh tế đối nội. Tham gia Diễn đàn Kinh tế ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, Diễn đàn Du lịch ASEAN, Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN,…
– Về văn hóa: Thông qua các diễn đàn như Diễn đàn Văn hóa Thanh niên ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), thông qua các dự án hợp tác như Dự án hợp tác văn hóa đa dân tộc ASEAN,…
– Về khai thác tài nguyên và môi trường: Dự án về hợp tác mạng lưới điện ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN, Chương trình nghị sự phát triển bền vững,…
– Về an ninh – quốc phòng: Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN,…
– Về các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao: Giao lưu văn hóa, nghệ thuật ASEAN mở rộng; tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Sea Games),…
Vai trò của Việt Nam với ASEAN
– Việt Nam thể hiện vai trò mở rộng khối bằng việc thúc đẩy sự kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN.
– Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào các năm 2010 và 2020.
– Cùng các nước ASEAN mở rộng quan hệ hợp tác nội khối, khu vực và quốc tế.
– Đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị, tiêu biểu là Hội nghị Cấp cao ASEAN (năm 1998, 2010, 2020), Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (năm 2022),…
– Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giải quyết các vấn đề của khu vực, quảng bá hình ảnh ASEAN, thúc đẩy giáo dục về biến đổi khí hậu,…