Với mong muốn giúp các em có thêm nhiều kiến thức về Liên minh Châu Âu, ban biên tập Kiến Thức THPT đã tổng hợp nội dung Bài 9 Địa 11: Liên minh Châu Âu – Sách Kết nối tri thức. Nội dung của bài học sẽ giúp các em dễ dàng trả lời câu hỏi trong sách Địa 11 Kết nối tri thức Bài 9. Mời các em cùng tham khảo!
Quy mô, mục tiêu và thể chế hoạt động
Câu hỏi 1: Dựa vào thông tin mục I bảng 9.1 hình 9.1 hãy xác định quy mô của EU.
Lời giải chi tiết:
– Diện tích: Năm 2021, EU gồm 27 quốc gia thành viên với tổng diện tích khoảng 4,2 triệu km² (chiếm 2,8% diện tích thế giới).
– Số dân: Dân số tổng cộng của các quốc gia EU vào khoảng 447,7 triệu người (tương đương 5,8% dân số thế giới).
– GDP: Tổng GDP khoảng 17.088,6 tỷ USD (chiếm 17,8% tổng GDP thế giới).
Câu hỏi 2: Dựa vào thông tin mục 2, hãy xác định mục tiêu của EU.
Lời giải chi tiết:
– Mục tiêu của EU được thể hiện qua Hiệp ước Maastricht (1993) và được bổ sung tại Hiệp ước Lisbon (2009).
– Nội dung mục tiêu được thể hiện trên hai phương diện:
+ Mục tiêu trong khu vực
- Thúc đẩy hoà bình, tự do, an ninh và hạnh phúc của công dân.
- Thúc đẩy tiến bộ khoa học – công nghệ.
- Thiết lập một thị trường nội bộ, một liên minh kinh tế và tiền tệ.
- Phát triển bền vững dựa trên tăng trưởng kinh tế cân bằng, có tính cạnh tranh cao và tiến bộ xã hội.
+ Mục tiêu trên thế giới
- Duy trì và phát huy các giá trị và lợi ích của EU.
- Đóng góp cho hoà bình, an ninh và phát triển bền vững của trái đất.
- Thương mại tự do và công bằng, xóa đói giảm nghèo.
=> Mục tiêu chung hiện nay của EU là xây dựng một khu vực dân chủ hơn, hiệu quả hơn và có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề toàn cầu.
Vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới
Câu hỏi: Dựa vào thông tin mục 3 và hình 9,3 hãy xác định thể chế hoạt động của EU thông qua bốn cơ quan ra quyết định và điều hành chính.
Hình 9.3. Các cơ quan thể chế của EU
Lời giải chi tiết:
– Theo Hiệp ước Maastricht, bốn cơ quan thể chế của EU là: Hội đồng Châu Âu, Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Liên minh Châu Âu (nay là Ủy ban Châu Âu) và Hội đồng Bộ trưởng EU (nay là Hội đồng Liên minh Châu Âu).
– Từ sau Hiệp ước Lisbon, quyền lực của các cơ quan thể chế được tăng cường nhằm ra quyết định và điều hành hoạt động của EU:
- Hội đồng Châu Âu là cơ quan quyền lực cao nhất của EU, gồm 27 nguyên thủ các nước thành viên. Hội đồng thường họp 4 lần trong năm, giải quyết các vấn đề quan trọng nhất, như quyết định đường lối chính trị của EU; trao đổi về thể chế, hiến pháp, chính sách kinh tế, tiền tệ; đặt ra đường lối an ninh và đối ngoại chung. Tuy nhiên, Hội đồng không phải là cơ quan thông qua các dự thảo luật của EU.
- Nghị viện Châu Âu là cơ quan làm luật của EU, đại diện cho công dân EU. Nhiệm vụ của Nghị viện là lập pháp, giám sát và tài chính.
- Ủy ban Châu Âu là cơ quan điều hành, đại diện cho lợi ích chung của EU. Ủy ban gồm Chủ tịch, Ủy viên và các ban chức năng. Ủy ban có nhiệm vụ đề xuất, giám sát thực hiện các dự luật và quản lý ngân sách, vừa hòa giải tranh chấp trong nội bộ vừa đại diện cho EU trong đối ngoại, đàm phán quốc tế.
- Hội đồng Liên minh Châu Âu là cơ quan làm luật của EU, đại diện cho các chính phủ và là nơi các bộ trưởng EU họp để thảo luận về các dự thảo luật. Hội đồng Liên minh có 250 tiểu ban và nhóm công tác phụ trách 10 lĩnh vực khác nhau: kinh tế, tài chính, an ninh…
Một số biểu hiện của hợp tác và liên kết trong EU
Câu hỏi 1: Dựa vào nội dung mục II, phân tích vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới.
Lời giải chi tiết:
Trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới
– EU đã thành công trong việc tạo ra thị trường chung, đảm bảo lưu thông hàng hoá, con người, dịch vụ, tiền vốn giữa các nước thành viên; đặc biệt là việc sử dụng đồng tiền chung EURO đã giúp kinh tế EU phát triển nhanh chóng.
– Nhờ những thành công đó, EU đã trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.
– Năm 2021, quy mô GDP của EU đạt 17.088,6 tỉ USD (đứng thứ 3 thế giới), chiếm 17,8% GDP toàn cầu; là khu vực đứng đầu thế giới về tỉ trọng giá trị xuất khẩu, chiếm 31,0% trị giá xuất khẩu toàn cầu.
– EU cũng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô-tô, công nghiệp hàng không vũ trụ, điện tử – tin học, hóa chất,…
– Thương mại của EU cũng thuộc tốp đầu, chiếm khoảng 15% giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu.
– Đa số các quốc gia thành viên EU có nền kinh tế phát triển (tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch đáng kể về trình độ kinh tế giữa các nước thành viên).
Tổ chức thương mại hàng đầu thế giới
– Kinh tế EU có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động thương mại, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu.
– Các nước thành viên dỡ bỏ thuế quan với nhau và có chung một mức thuế.
– EU dẫn đầu thế giới về hoạt động thương mại, chiếm 31,0% trị giá xuất khẩu và 29,6% trị giá nhập khẩu toàn cầu.
– EU là bạn hàng lớn nhất của các nước đang phát triển.
– EU hạn chế nhập nhiều mặt hàng công nghiệp và trợ giá cho nông sản.
– EU ủng hộ chính sách tự do thương mại trên toàn cầu, tuy nhiên cũng thực hiện nhiều chính sách tăng cường phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và thị trường nội khối.
>> Xem thêm: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Câu hỏi 2: Dựa vào thông tin mục III, hãy phân tích một số biểu hiện của hợp tác và liên kết trong khu vực EU
Lời giải chi tiết:
Thiết lập một EU tự do, an ninh và công lý
– Từ ngày 1/1/1993, EU đã thiết lập một thị trường chung, trong đó hàng hoá, con người, dịch vụ và tiền vốn được đảm bảo tự do lưu thông giữa các nước thành viên.
– Tự do di chuyển: quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do chọn lựa nơi làm việc được đảm bảo.
– Tự do lưu thông dịch vụ: các dịch vụ như vận tải, thông tin liên lạc, ngân hàng, kiểm toán, du lịch… đều được tự do.
– Tự do lưu thông hàng hoá: các sản phẩm hợp pháp ở một nước thuộc EU được tự do lưu thông và bán trong toàn bộ thị trường chung Châu Âu mà không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
– Tự do lưu thông tiền vốn: các hạn chế đối với giao dịch, thanh toán bị bãi bỏ. Các nhà đầu tư có thể lựa chọn khả năng đầu tư có lợi nhất và mở tài khoản tại các ngân hàng trong khối.
Hình thành một liên minh kinh tế và tiền tệ với đồng tiền chung Euro
– Euro là đồng tiền chung của EU, được đưa vào giao dịch từ năm 1999. Đến năm 2006, đã có 13 nước thành viên sử dụng.
– Việc sử dụng đồng tiền chung có tác dụng nâng cao sức cạnh tranh của thị trường chung Châu Âu, loại bỏ rủi ro khi chuyển đổi tiền tệ, tạo thuận lợi trong chuyển giao vốn trong EU và đơn giản hóa công tác kế toán của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Hợp tác trong sản xuất và dịch vụ
– Hợp tác trong sản xuất và dịch vụ là một trong những mục tiêu hàng đầu của EU nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và sức mạnh kinh tế.
– Trong lĩnh vực công nghiệp, các nước EU hợp tác với nhau trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ (máy bay Airbus), sản xuất ô tô, điện tử – tin học,…
– Trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản, đảm bảo an ninh lương thực chung và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
– Trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải, được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua chính sách lưu thông. Hệ thống giao thông vận tải (đường ô tô, đường sắt cao tốc, đường hàng không, đường thủy nội địa, đường biển và đường ống) ở các quốc gia thành viên EU được kết nối thông suốt và hiện đại, giúp việc đi lại nhanh và an toàn hơn.
>> Xem thêm: Bài 12: Kinh tế khu vực Đông Nam Á
Liên kết vùng Châu Âu
– Liên kết vùng là một khu vực biên giới của EU, nơi người dân các nước khác nhau thực hiện các hoạt động hợp tác, liên kết sâu rộng về kinh tế, xã hội và văn hóa nhằm mục tiêu và lợi ích chung của các nước.
– Liên kết vùng có thể nằm hoàn toàn bên trong ranh giới EU hoặc có một phần nằm ngoài ranh giới EU (giữa các nước EU và các nước Châu Âu khác).
– Hiện nay, EU có khoảng 158 liên kết vùng, nhằm:
- Tăng cường quá trình liên kết và nhất thể hóa ở EU.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền và người dân ở vùng biên giới cùng nhau thực hiện các dự án chung trong kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh để tận dụng lợi thế so sánh riêng của mỗi nước.
- Tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân các nước ở khu vực biên giới.
– Liên kết vùng Maas-Rhein
- Hình thành ở biên giới của ba nước Hà Lan, Đức và Bỉ.
- Hàng ngày có khoảng 30 nghìn người đi sang nước láng giềng làm việc.
- Hàng tháng, khu vực này xuất bản một tạp chí bằng ba thứ tiếng.
- Các trường đại học trong khu vực phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chung.
- Các con đường xuyên biên giới được xây dựng.