Với mong muốn giúp các em có thêm nhiều kiến thức về Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa, ban biên tập Kiến Thức THPT đã tổng hợp nội dung Bài 2 Địa 11: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa ngắn gọn và chi tiết. Mời các em cùng tham khảo!
Biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa
Các yếu tố biểu hiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta:
Khí hậu
Bản đồ khí hậu Việt Nam
– Tính chất nhiệt đới:
- Nguyên nhân: Nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến, có góc nhập xạ lớn và ở mọi nơi trong nước đều có hai lần Mặt Trời qua thiên đỉnh.
- Biểu hiện: Tổng bức xạ lớn, cán cân bức xạ luôn dương Nhiệt độ trung bình năm cao trên 20ºC Tổng số giờ nắng từ 1400-3000 giờ mỗi năm
– Tính chất ẩm
- Lượng mưa lớn: Lượng mưa trung bình năm từ 1500-2000mm. Ở các sườn núi đón gió biển và những khối núi cao, lượng mưa có thể lên tới 3500-4000mm.
- Độ ẩm không khí cao, cân bằng ẩm luôn dương: độ ẩm tương đối đạt từ 80-85%.
– Tính chất gió mùa
+ Gió Tín phong hoạt động xen kẽ với gió mùa và chỉ mạnh rõ rệt trong thời kỳ chuyển tiếp giữa hai mùa gió. Hướng gió là hướng Đông Bắc và thổi ổn định quanh năm.
+ Gió mùa đông hoạt động từ tháng XI đến tháng IV năm sau. Có nguồn gốc từ cao áp Xibia, hướng chủ yếu là Đông Bắc nên được gọi là gió mùa Đông Bắc. Nửa đầu mùa đông: thời tiết lạnh, khô. Nửa sau mùa đông: thời tiết lạnh, ẩm (do đi qua vùng biển).
Gió mùa đông ở khu vực Đông Nam Á
=> Làm cho miền Bắc có mùa đông lạnh. Nửa đầu mùa đông thời tiết lạnh, khô. Nửa sau mùa đông thời tiết lạnh, ẩm, có mưa phùn ở đồng bằng Bắc Bộ và ven biển Bắc Trung Bộ.
=> Miền Nam chịu ảnh hưởng chính của gió Tín phong thổi theo hướng Đông Bắc (do khi di chuyển xuống phía Nam, gió mùa Đông Bắc bị suy yếu và ít khi vượt qua dãy Bạch Mã – vĩ độ 16ºB), đây là nguyên nhân chính làm cho Tây Nguyên và Nam Bộ có mùa khô kéo dài.
+ Gió mùa hạ hoạt động từ tháng V đến tháng X. Hướng gió chủ yếu là tây nam nên còn được gọi là gió mùa Tây Nam.
- Đầu mùa hạ: gió mùa Tây Nam xuất phát từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương gây mưa lớn ở đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Do ảnh hưởng của dãy Trường Sơn, gió mùa Tây Nam thường mang đến thời tiết nóng ở dải đồng bằng ven biển miền Trung và phía nam của Tây Bắc (gió phơn Tây Nam hay gió Lào).
- Giữa và cuối mùa hạ: gió mùa Tây Nam xuất phát từ áp cao chí tuyến bán cầu Nam => gây mưa nhiều trên phạm vi cả nước. Ở Bắc Bộ có gió Đông Nam từ biển thổi vào (gió mùa Đông Nam).
Gió mùa hạ ở khu vực Đông Nam Á
=> Miền Bắc có hai mùa rõ rệt: mùa đông lạnh ít mưa và mùa hạ nóng, ẩm, mưa nhiều. Miền Nam có hai mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ có sự đối lập về mùa mưa và mùa khô.
Địa hình
Biểu hiện của các quá trình ngoại lực (phong hóa, xâm thực, bồi tụ) diễn ra mạnh mẽ:
– Nhiệt độ và độ ẩm cao làm quá trình phong hóa diễn ra nhanh chóng, tạo nên vỏ phong hóa vụn bở rất dày, dễ thấm nước, tạo điều kiện cho quá trình xâm thực và bồi tụ.
– Ở miền núi, đặc biệt tại các sườn núi dốc, thường xảy ra các hiện tượng như đất trượt, đá lở, lũ quét…
– Trên các vùng đá vôi, quá trình cacxtơ diễn ra mạnh mẽ, tạo nên những dạng địa hình cacxtơ độc đáo như hang động và cánh đồng cacxtơ.
– Ở đồng bằng và dọc các thung lũng sông, quá trình bồi tụ diễn ra mạnh mẽ.
Sông ngòi
Biểu hiện ở mật độ sông ngòi lớn, sông ngòi nhiều nước, giàu phù sa và chế độ dòng chảy theo mùa:
– Mạng lưới sông ngòi dày đặc với 2360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên, chủ yếu là sông nhỏ.
– Sông ngòi nhiều nước và giàu phù sa.
– Chế độ nước thay đổi theo mùa.
Đất
– Biểu hiện của quá trình hình thành đất và các loại đất chủ yếu
– Đất feralit là loại đất chủ yếu ở nước ta.
Sinh vật
– Hệ sinh thái rừng nguyên sinh điển hình cho khí hậu nóng ẩm là rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh.
– Trong giới sinh vật, các loài nhiệt đới chiếm ưu thế.
– Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm gió mùa phát triển trên đất feralit là đặc trưng tiêu biểu của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta.
Ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống
Ảnh hưởng đến sản xuất
Ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp
– Thuận lợi: Có điều kiện phát triển nông nghiệp lúa nước, tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi (nhờ nền nhiệt ẩm cao và khí hậu phân mùa).
– Khó khăn: Tính thất thường của thời tiết và khí hậu gây khó khăn cho canh tác, cơ cấu cây trồng, kế hoạch thời vụ, phòng chống thiên tai và dịch bệnh.
Đối với các ngành khác
– Thuận lợi: phát triển các ngành kinh tế như lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, du lịch và hoạt động khai thác, xây dựng trong mùa khô.
– Khó khăn: giao thông vận tải, du lịch, công nghiệp khai thác đều chịu ảnh hưởng của thời tiết; thiên tai; các hiện tượng thời tiết bất thường; độ ẩm cao gây khó khăn trong việc bảo quản máy móc và làm môi trường dễ bị suy thoái.
>> Xem thêm: Các nhân tố ảnh hưởng đến ngành dịch vụ
Ảnh hưởng đến đời sống
– Lượng mưa và lưu lượng dòng chảy sông ngòi lớn của vùng nhiệt đới ẩm cung cấp nguồn nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu khai thác nước sinh hoạt…
– Hạn chế: Nhiều thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, ngập lụt, sạt lở đất, nắng nóng và hạn hán…
Bài tập trắc nghiệm thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa
Chúc các em học tập vui vẻ với những kiến thức thú vị mỗi ngày tại kienthucthpt.com.