Nhằm mục tiêu giúp học sinh hiểu sâu và vững chắc kiến thức môn Lịch sử lớp 12, phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp, Kiến thức THPT đã biên soạn Lịch Sử 12 Bài 5: Cộng đồng ASEAN từ ý tưởng đến hiện thực, bao gồm đầy đủ các nội dung lý thuyết, câu hỏi trắc nghiệm và hướng dẫn giải các bài tập trong sách giáo khoa Lịch sử 12.
Câu 1 trang 26: Khai thác thông tin và Tư liệu 1 trong mục, hãy nêu những nét chính về ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN
Câu trả lời
- Ý tưởng thành lập Cộng đồng ASEAN bắt nguồn ngay từ khi ASEAN được thành lập. Tuyên bố Bangkok (1967) đã đặt ra mục tiêu hướng tới việc xây dựng một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình tại Đông Nam Á.
- Sau ba thập kỷ phát triển và mở rộng, ASEAN đã chính thức khẳng định ý định thành lập Cộng đồng ASEAN trong Hội nghị cấp cao ASEAN không chính thức tại Malaysia năm 1997. Các quốc gia thành viên đã thông qua văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2020, đặt ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng phát triển tương lai của khối.
- Với việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, mục tiêu hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị-an ninh, và văn hóa-xã hội giữa các nước thành viên sẽ được nâng cao, hướng tới một khu vực Đông Nam Á đoàn kết, thân thiện và hợp tác, đáp ứng nguyện vọng phát triển chung của các quốc gia thành viên.
Câu 2 trang 26: Khai thác thông tin và Tư liệu 2 trong mục, hãy nêu mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN
Câu trả lời
Mục đích của việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là biến ASEAN thành một cộng đồng ba trụ cột với mức độ gắn kết chặt chẽ hơn, dựa trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN, đồng thời mở rộng hợp tác với các bên ngoài.
>> Xem thêm: Giải bài tập lịch sử 12 bài 4 Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
Câu 3 trang 27: Trình bày những nét chính về kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN
Câu trả lời
- Để thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên đã thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết trên ba trụ cột chính: chính trị-an ninh, kinh tế, và văn hóa-xã hội.
- Kế hoạch này được chi tiết hóa trong văn bản “Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015)”, được chấp thuận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 ở Thái Lan vào năm 2009, nhằm mục tiêu biến ASEAN thành một cộng đồng gắn kết hơn về mặt kinh tế, chính trị-an ninh và có trách nhiệm xã hội đối với người dân.
- Về mặt quan hệ đối ngoại, ASEAN đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các bên ngoài thông qua cơ chế hợp tác khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò chủ đạo.
- Sau sáu năm triển khai, vào năm 2015, ASEAN đã cơ bản hoàn thành việc triển khai các kế hoạch xây dựng cộng đồng. Dựa trên những thành tựu đó, ngày 22-11-2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur, chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN, có hiệu lực từ ngày 31-12-2015.
Câu 4 trang 27: Khai thác thông tin và Tư liệu 3 trong mục, hãy trình bày nội dung chính của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN
Câu trả lời
Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN được thiết lập dựa trên những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác chính trị-an ninh, với mục tiêu xây dựng một môi trường hoà bình và an ninh trong khu vực. Điều này nhằm nâng cao mức độ hợp tác chính trị-an ninh lên một tầm cao mới, chặt chẽ hơn, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của ASEAN.
Câu 5 trang 28: Hãy trình bày nội dung chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Câu trả lời
- Cộng đồng Kinh tế ASEAN là sự phát triển và mở rộng từ các chương trình hợp tác kinh tế trước đó của ASEAN, với phạm vi rộng lớn hơn và mức độ hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại.
- Các nội dung chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm:
- Hình thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung, nơi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề được lưu chuyển tự do;
- Xây dựng một khu vực kinh tế cạnh tranh cao, năng động, phát triển cân đối và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
>> Xem thêm: Lý thuyết + bài tập trắc nghiệm trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh
Câu 6 trang 29: Khai thác thông tin và Tư liệu 4 trong mục, hãy trình bày nội dung chính của Cộng đồng Văn hoá-Xã hội ASEAN
Câu trả lời
- Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN là một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ, bao gồm các quy định và tiêu chuẩn chung nhằm tạo sự hài hòa, bình đẳng và công bằng xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức về cộng đồng và bản sắc chung của ASEAN.
- Sáu nội dung chính của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN bao gồm:
- Phát triển con người;
- Phúc lợi và bảo hiểm xã hội;
- Bình đẳng xã hội và các quyền;
- Bảo vệ môi trường bền vững;
- Xây dựng bản sắc ASEAN;
- Thu hẹp khoảng cách phát triển.
- Dựa trên nền tảng của các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đóng vai trò là một trụ cột quan trọng, góp phần gắn kết và hỗ trợ việc xây dựng các trụ cột Kinh tế và Chính trị-An ninh.
Câu 6 trang 30: Nêu những thách thức và triển vọng của Cộng đồng ASEAN
♦ Những thách thức của Cộng đồng ASEAN:
Thách thức nội bộ:
- Về chính trị: sự khác biệt về hệ thống chính trị giữa các thành viên, tình hình chính trị không ổn định ở một số nước, cùng với các xung đột song phương còn tồn tại…
- Về kinh tế: sự chênh lệch về mức thu nhập và trình độ phát triển giữa các quốc gia thành viên làm cản trở quá trình hợp tác nội khối; sự giống nhau trong sản xuất một số mặt hàng cũng dẫn đến cạnh tranh trong xuất khẩu…
Thách thức từ bên ngoài:
- Cạnh tranh quyền lực từ các cường quốc lớn đối với khu vực;
- Tình hình phức tạp ở Biển Đông và các vấn đề quốc tế;
- Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh,…
- Để giải quyết những thách thức này, các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang tăng tốc triển khai các kế hoạch đã định hướng nhằm đảm bảo lợi ích chung, lâu dài của cộng đồng.
♦ Triển vọng của Cộng đồng ASEAN:
- ASEAN sẽ tiếp tục phát triển với mức độ liên kết và hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn trên ba trụ cột, với mong muốn trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới.
- Về mặt quan hệ đối ngoại, ASEAN đang mở rộng và củng cố mối quan hệ với các đối tác bên ngoài, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của mình trong khu vực và trên toàn cầu.
Hy vọng với những nội dung trên đây đã giúp các bạn học sinh trả lời đc các câu hỏi Lịch sử 12 bài 5: Cộng đồng ASEAN chương trình sách giáo khoa Kết nối tri thức.