Với mong muốn giúp các em có thêm nhiều kiến thức về khu vực Đông Nam Á, ban biên tập Kiến Thức THPT sẽ cung cấp lời giải Bài 12: Kinh tế khu vực Đông Nam Á – Địa lí 11 Kết nối tri thức. Nội dung của bài học sẽ cung cấp cho các em các kiến thức về tình hình phát triển kinh tế, sự phát triển của các ngành kinh tế khu vực Đông Nam Á. Mời các em cùng tham khảo!
Câu hỏi trang 54 Địa Lí 11 bài 12
Câu hỏi: Dựa vào nội dung mục I, hãy trình bày và giải thích tình hình phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
Lời giải:
Tình hình phát triển:
– Quy mô GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2000 – 2020. Tuy nhiên, so với thế giới, quy mô GDP các nước Đông Nam Á vẫn còn nhỏ, năm 2020 chỉ chiếm khoảng 3,6% GDP toàn cầu.
– Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động bậc nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình toàn cầu.
– Cơ cấu kinh tế: hầu hết các nước đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Một số quốc gia đang chú trọng phát triển nền kinh tế tri thức, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển.
– Giữa các quốc gia còn có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển kinh tế và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Nguyên nhân phát triển:
– Các nước tận dụng được các lợi thế về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động, cũng như thu hút được các nguồn đầu tư bên ngoài.
Câu hỏi trang 56 Địa Lí 11 Kết nối tri thức
Câu hỏi: Khai thác thông tin mục 1 và hình 12.2, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của khu vực Đông Nam Á.
Lời giải:
- Nông nghiệp
– Đông Nam Á có nền nông nghiệp nhiệt đới với cơ cấu sản phẩm đa dạng.
– Trồng trọt là ngành chính trong sản xuất nông nghiệp của phần lớn các nước Đông Nam Á. Các cây trồng chính ở Đông Nam Á là lúa gạo, cây công nghiệp và cây ăn quả.
+ Lúa gạo là cây lương thực truyền thống và quan trọng nhất của khu vực. Sản lượng lúa ngày càng tăng, nhờ vậy các quốc gia Đông Nam Á đã cơ bản giải quyết được nhu cầu về lương thực và có xuất khẩu.
+ Đông Nam Á trồng nhiều cây công nghiệp, có giá trị xuất khẩu cao; đứng hàng đầu thế giới là cao su, cọ dầu, cà phê, hồ tiêu. Cao su được trồng ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Cọ dầu được trồng nhiều ở Indonesia và Malaysia. Cà phê và hồ tiêu được trồng nhiều ở Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
+ Cây ăn quả rất đa dạng (xoài, chôm chôm, sầu riêng, dứa, chuối,….), được trồng ở hầu hết các nước trong khu vực; là mặt hàng xuất khẩu, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho các nước.
– Ngành chăn nuôi hiện đang được các nước Đông Nam Á chú trọng phát triển. Các vật nuôi chủ yếu ở Đông Nam Á là: trâu, bò; lợn, gia cầm. Trong đó:
+ Trâu, bò được nuôi nhiều ở Myanmar, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.
+ Lợn được nuôi nhiều ở Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia.
+ Chăn nuôi gia cầm phổ biến ở hầu hết các nước.
– Hiện nay, một số quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
- Lâm nghiệp
– Là ngành kinh tế quan trọng của một số quốc gia như Indonesia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.
– Sản lượng gỗ tròn khai thác của khu vực có xu hướng tăng, đạt 302 triệu m³ năm 2020 (chiếm khoảng 7,7% tổng sản lượng gỗ tròn khai thác toàn thế giới).
– Hiện nay, khu vực Đông Nam Á đang hướng tới việc phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua các biện pháp, như:
+ Giảm khai thác gỗ rừng tự nhiên, tăng diện tích và sản lượng khai thác gỗ rừng trồng;
+ Xây dựng và bảo vệ các vườn quốc gia để hướng đến phát triển.
- Thủy sản
– Thủy sản là ngành kinh tế truyền thống và được phát triển mạnh. Năm 2020, Đông Nam Á đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu.
– Các quốc gia sản xuất thủy sản lớn trong khu vực là Indonesia, Việt Nam và Philippines.
– Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực là: tôm, cá ngừ đại dương, cá da trơn,…
– Hoạt động khai thác thủy sản của các quốc gia trong khu vực đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững thông qua áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đánh bắt toàn cầu. Suy giảm nguồn tài nguyên thủy sản là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người dân trong khu vực.
– Một số quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Philippines đang chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng và bảo vệ được nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Câu hỏi trang 58 Địa Lí 11 Bài 12
Câu hỏi: Khai thác thông tin mục 2 và hình 12.3 hãy trình bày và giải thích sự phát triển ngành công nghiệp của khu vực Đông Nam Á
Lời giải:
– Công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á: thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo nhiều việc làm; tăng nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu,…
– Các ngành công nghiệp quan trọng của khu vực bao gồm: cơ khí chế tạo, điện tử – tin học, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và khai thác khoáng sản,…
+ Công nghiệp cơ khí chế tạo: được coi là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng khả năng cạnh tranh của khu vực. Ngành này là thế mạnh của các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore và Việt Nam.
+ Công nghiệp điện tử – tin học: đang trở thành ngành mũi nhọn của nhiều nước trong khu vực, như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam,… Ngành này phát triển dựa trên tiềm năng về nguồn lao động trẻ, có trình độ kỹ thuật và thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, các nước trong khu vực đang tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực điện tử – tin học.
+ Công nghiệp chế biến thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng: được phát triển dựa trên thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, thị trường tiêu thụ lớn và nguồn lao động dồi dào. Đây là các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Phân bố ở tất cả các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các nước đông dân như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
+ Công nghiệp khai thác khoáng sản: là ngành công nghiệp quan trọng của nhiều nước trong khu vực. Khai thác thiếc trong khu vực chiếm hơn một nửa sản lượng thế giới, phát triển ở Malaysia, Indonesia, Myanmar, Thái Lan. Khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên phát triển mạnh ở Brunei, Malaysia, Indonesia, Việt Nam.
– Một số trung tâm công nghiệp lớn của khu vực là: Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam),…
>> Xem thêm: Khu vực hóa kinh tế là gì? Ý nghĩa ra sao?
Câu hỏi trang 60 Địa Lí 11 – KNTT
Câu hỏi: Khai thác thông tin mục 3, hãy trình bày và giải thích sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ của khu vực Đông Nam Á
Lời giải:
- Thương mại
– Nội thương:
+ Phát triển nhanh, thể hiện ở trị giá và khối lượng hàng hóa, dịch vụ trao đổi trên thị trường ngày càng lớn, hình thành các hình thức mới như siêu thị, trung tâm thương mại và sự phát triển nhanh của thương mại điện tử.
+ Các nước có ngành nội thương phát triển là: Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
– Ngoại thương:
+ Đóng vai trò then chốt đối với tất cả các quốc gia trong khu vực.
+ Các đối tác thương mại lớn nhất của khu vực Đông Nam Á là: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
+ Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có trị giá xuất khẩu lớn hơn trị giá nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chính của khu vực là hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản, dệt may,… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, hàng tiêu dùng,…
+ Các nước có hoạt động ngoại thương phát triển nhất là: Singapore, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
+ Thương mại giữa các quốc gia trong khu vực chiếm khoảng 25% tổng trị giá xuất nhập khẩu của toàn khu vực.
- Giao thông vận tải: Được chú ý phát triển và hiện đại hóa nhằm phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân mỗi nước và tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
– Giao thông đường bộ: được đầu tư, hiện đại hóa mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng nhanh. Hành lang Đông – Tây, đường cao tốc Xuyên Á kết nối Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar… là những tuyến đường liên kết quan trọng trong khu vực.
– Đường sắt: khá phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á lục địa. Tổng chiều dài đường sắt của khu vực là 20.000 km (năm 2020). Nhiều quốc gia đang nỗ lực nâng cấp mạng lưới đường sắt sang đường sắt cao tốc như Singapore, Malaysia.
– Giao thông đường biển: đóng vai trò quan trọng. Khối lượng vận chuyển đạt 2,8 tỉ tấn (năm 2019), số cảng biển là hơn 500 (năm 2020). Một số cảng biển lớn của khu vực là: Hải Phòng, Sài Gòn (Việt Nam), Yangon (Myanmar), Bangkok (Thái Lan), Singapore (Singapore),…
– Giao thông hàng không: các quốc gia đều tích cực nâng cấp vận tải hàng không nội địa và quốc tế. Các sân bay lớn nhất khu vực là Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Tân Sơn Nhất, Nội Bài (Việt Nam),…
>> Xem thêm: Một số vấn đề an ninh toàn cầu Địa lý 11
- Tài chính ngân hàng
– Tài chính ngân hàng của hầu hết các quốc gia trong khu vực đang trong quá trình phát triển và hội nhập với thế giới.
– Ngành này đang trở thành động lực thúc đẩy kinh tế các nước trong khu vực.
– Những thuận lợi về nguồn lao động và thị trường quy mô lớn đang thúc đẩy sự phát triển nhanh và đa dạng của ngành.
– Các trung tâm tài chính lớn trong khu vực là Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok, Jakarta, Thành phố Hồ Chí Minh,…
- Du lịch
– Du lịch có vai trò ngày càng quan trọng ở Đông Nam Á.
– Số lượng khách du lịch và doanh thu du lịch ngày càng tăng. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp hơn 393 tỉ USD vào GDP của khu vực.
– Đông Nam Á là một trong những điểm đến phổ biến của khách du lịch quốc tế và thu hút khoảng 10% tổng lượng khách du lịch toàn cầu.
– Các quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh là: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore,…
– Một số điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực là: đền Angkor Wat (Campuchia), vịnh Hạ Long (Việt Nam), Bali (Indonesia), Bagan (Myanmar), Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan),…
Trên đây là toàn bộ lời giải môn địa lý 11 bài 12 chi tiết nhất, hy vọng đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc.
Tác giả:
thaovy
Chào các bạn! Mình là Thảo Vy - Sinh viên K28 - Đại học Sư phạm Hà Nội. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, chuyên môn vững vàng, phương pháp sư phạm hiện đại và nhiệt huyết làm nghề hy vọng sẽ giúp các em đạt kết quả tốt nhất.