“Chữ người tử tù” là một tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Tuân. Nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm này đã thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định cái đẹp là vĩnh cửu và bộc lộ tình yêu nước sâu sắc. Cùng tìm hiểu với Kiến Thức THPT thông qua soạn bài Chữ người tử tù dưới đây.
Trước khi đọc | Soạn bài Chữ người tử tù
Dựa vào nhan đề Chữ người tử tù, bạn thử suy đoán xem tác phẩm viết về câu chuyện gì?
Gợi ý trả lời:
– Truyện có thể viết về những dòng chữ của người tù mắc trọng tội.
Trong khi đọc | Soạn bài Chữ người tử tù
Câu 1: Tóm tắt nội dung cuộc trò chuyện giữa nhân vật quản ngục và thầy thơ lại
Gợi ý trả lời:
Viên quản ngục nhận được một phiến trát ghi tên sáu tù nhân bị kết án tử hình, trong đó có Huấn Cao – người nổi tiếng với tài viết chữ nhanh và đẹp. Viên quản ngục yêu cầu thầy thơ lại quét dọn cái buồng trong cùng để chuẩn bị giam giữ Huấn Cao. Cả quản ngục và thầy thơ lại đều cảm thấy tiếc nuối vì một người tài năng như Huấn Cao lại phải chịu án tử.
Câu 2: Chú ý các chi tiết cho biết ngoại hình, suy nghĩ, lời nói, sở thích, môi trường sống của quản ngục và những câu văn khái quát được tính cách nhân vật này.
Gợi ý trả lời:
Miêu tả về nhân vật viên quản ngục:
– Ngoại hình: Viên quản ngục có mái đầu đã điểm bạc, râu cũng đã đổi màu. Những nếp nhăn trên khuôn mặt tư lự trước kia giờ đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một gương mặt yên bình và êm dịu như mặt nước ao xuân.
– Tính cách: Ông là người có tâm tốt, tính cách thẳng thắn, và biết trân trọng người tài.
– Sở thích: Ông thích sưu tầm chữ đẹp để treo trong nhà, điều này cho thấy ông yêu cái đẹp.
– Môi trường sống: Ông sống trong môi trường ngục tù đầy tăm tối.
Câu 3: Theo bạn, viên quản ngục sẽ đối xử với Huấn Cao như thế nào? Chi tiết nào ở phần (1) có thể khiến bạn suy đoán như vậy.
Gợi ý trả lời:
– Viên quản ngục sẽ đối xử tử tế với Huấn Cao và dành cho ông những sự ưu đãi đặc biệt.
– Chi tiết khiến chúng ta có suy đoán:
- Ông yêu cầu thầy thơ lại dọn dẹp phòng giam cuối cùng.
- Lời nói của ông cho thấy ông muốn dò hỏi ý kiến của thầy thơ lại để có thể ưu đãi Huấn Cao mà không bị phát hiện.
Câu 4: Hình dung hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ giữa quản ngục và Huấn Cao
Gợi ý trả lời:
Huấn Cao và viên quản ngục gặp nhau trong ngục tù. Huấn Cao xuất hiện với dáng vẻ hiên ngang, bất khuất và lạnh lùng. Trong khi đó, viên quản ngục, dù cố gắng giữ kín sự kính trọng của mình, nhưng sự hiền lành và lòng kiêng nể đối với Huấn Cao đã lộ rõ.
Câu 5: Huấn Cao đã tiếp nhận sự “biệt đãi” của quản ngục như thế nào?
Gợi ý trả lời:
Huấn Cao thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là việc thường làm khi ông còn tự do, chưa bị giam cầm. Tuy nhiên, khi viên quản ngục đề nghị cung cấp thêm, Huấn Cao khẳng khái đáp lại, mong muốn viên quản ngục không đặt chân vào phòng giam này nữa.
Câu 6: Dự đoán xem Huấn Cao có bằng lòng cho chữ viên quản ngục không?
Gợi ý trả lời:
Huấn Cao đồng ý cho chữ viên quản ngục.
Câu 7: Lưu ý các chi tiết được tác giả sử dụng để dựng lên bối cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục.
– Bối cảnh: về không gian và thời gian.
– Lời nói, cử chỉ, hành động của Huấn Cao và viên quản ngục.
Gợi ý trả lời:
– Bối cảnh:
- Không gian: trong buồng giam tối tăm.
- Thời gian: vào ban đêm trước ngày thi hành án.
– Hành động:
- Người nghệ sĩ tài hoa, sắp chịu án tử hình, say mê múa tay viết từng nét chữ như rồng bay phượng múa.
- Thầy thơ lại run rẩy bưng chậu mực.
- Viên quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ.
→ Trật tự và kỷ cương trong nhà tù bị đảo lộn hoàn toàn.
Câu 8: Nhân vật Huấn Cao khuyên quản ngục điều gì? Quản ngục có thái độ như thế nào trước lời khuyên đó?
Gợi ý trả lời:
– Huấn Cao khuyên viên quản ngục nên thay đổi nơi sống, nên về quê sinh sống, từ bỏ nghề này rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ.
– Viên quản ngục cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà nước mắt tràn vào kẽ miệng khiến lời nói nghẹn ngào.
Câu 9: Nội dung câu chuyện được kể có giống với suy đoán của bạn lúc mới đọc nhan đề tác phẩm hay không.
Gợi ý trả lời:
Nội dung câu chuyện đúng như dự đoán: cuộc đời của người tử tù và tài năng viết chữ của anh ta.
Trả lời câu hỏi cuối bài | Soạn bài Chữ người tử tù Ngữ văn 10
Nội dung chính
Truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân đã thành công khắc hoạ hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, có tâm hồn trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Qua đó, nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ một cách kín đáo tình yêu nước.
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc
Câu 1: Hãy xác định tình huống truyện trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”.
Gợi ý trả lời:
Trong “Chữ người tử tù,” Nguyễn Tuân đã xây dựng một tình huống truyện độc đáo và đầy éo le. Hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, mặc dù hoàn toàn đối lập nhau, lại có chung một điểm là tình yêu cái đẹp.
Tác giả đã đặt hai nhân vật này vào một tình thế đối lập: tử tù và viên quản ngục. Tình huống độc đáo này làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao. Đồng thời, Nguyễn Tuân cũng làm sáng tỏ tấm lòng biệt đãi của viên quản ngục đối với người tài hoa, qua đó thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.
Câu 2: Lời miêu tả nhân vật quản ngục (trong phần 1) là của ai? Nó tác động như thế nào đến cách nhìn của bạn về nhân vật này?
Gợi ý trả lời:
Lời nhận xét của Nguyễn Tuân về nhân vật viên quản ngục giúp người đọc thấy được những đặc điểm khác biệt so với hình ảnh mà họ thường hình dung về một kẻ đại diện cho xã hội cầm quyền. Viên quản ngục là một người hiền lành, nhân hậu, biết yêu và trân trọng cái đẹp, như một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn hỗn loạn và xô bồ”.
Câu 3: Sự kiện nào đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục? Sau sự kiện ấy, mối quan hệ của họ đã trở nên như thế nào?
Gợi ý trả lời:
– Sự kiện thầy thơ lại gặp Huấn Cao, kể rõ tình hình và tấm lòng của viên quản ngục.
– Sau sự kiện đó, Huấn Cao cảm mến viên quản ngục và trân trọng tấm lòng yêu tài của ông, nên đồng ý viết chữ tặng viên quản ngục.
Xem thêm: Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới
Câu 4: Nhân vật Huấn Cao đã được tác giả khắc họa thông qua những chi tiết tiêu biểu nào? Hãy dựa vào các chi tiết đó để có thể khái quát các đặc điểm tính cách của nhân vật Huấn Cao.
Gợi ý trả lời:
Vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao được thể hiện qua các phương diện sau:
Tài hoa nghệ sĩ:
Huấn Cao là một người có tài viết chữ rất đẹp, “chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm. Có được chữ ông Huấn mà treo là giống như có được vật báu trên đời”.
Khí phách hiên ngang:
Huấn Cao là một anh hùng dũng kiệt. Ông trở thành tử tù vì dám khởi nghĩa chống lại triều đình. Khí phách hiên ngang của Huấn Cao thể hiện rõ nét nhất khi ông ở trong phòng giam. Trước cửa ngục tù, Huấn Cao không những không tỏ ra run sợ mà ngược lại, ông tỏ rõ khí phách của mình thông qua hành động “dỗ gông”.
Nhân cách trong sáng, cao cả:
Huấn Cao không bao giờ cho chữ vì vàng bạc hay quyền lực. Ông cho chữ vì sự cảm kích trước tấm lòng của viên quản ngục.
Gợi ý trả lời:
Cảnh cho chữ tại nơi ngục tù tối tăm – một cảnh tượng xưa nay chưa từng có:
– Về không gian: Trong ngục tù tối tăm, ẩm mốc và bẩn thỉu.
– Về thời gian: Giữa đêm khuya thanh vắng, cũng là đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao bị thi hành án.
– Người cho chữ, dù bị cùm gông, vẫn giữ phong thái ung dung, tự tại và oai phong, phóng bút với những nét chữ đẹp tuyệt trần. Trong khi đó, viên quản ngục và thầy thơ lại khúm núm cúi đầu đón nhận như một đặc ân từ tử tù.
– Trật tự và kỷ cương trong nhà tù bị đảo lộn hoàn toàn.
Ý nghĩa:
Cảnh cho chữ làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, cái đẹp trước cái xấu xa, nhơ bẩn, và cái thiện trước cái ác.
Câu 6: Theo bạn, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì thông qua tình huống xin chữ và cho chữ?
Gợi ý trả lời:
– Con người chỉ có thể thưởng thức cái đẹp khi tâm hồn trong sáng.
– Người thưởng thức chữ không chỉ dùng thị giác mà còn cảm nhận bằng tâm hồn.
– Cái đẹp sẽ luôn vươn lên và chiến thắng cái ác.
Câu 7: Nêu và nhận xét về một điểm chung giữa hai nhân vật Tử Văn (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ) và Huấn Cao (Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân)
Gợi ý trả lời:
Tử Văn và Huấn Cao đều là những con người có thái độ “ngông”. “Ngông” ở đây không phải là “ngông ngênh” mà là thái độ hiên ngang, bất khuất, đầy bản lĩnh, không bao giờ khuất phục trước cái xấu, cái ác, luôn đấu tranh để bảo vệ chính nghĩa.
Xem thêm: Tóm tắt Tản Viên từ Phán sự lục hay và ngắn gọn nhất
Kết nối đọc – viết
Bài tập (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
Đoạn văn tham khảo:
Cảnh cho chữ trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân được coi là một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Trước hết, hoàn cảnh diễn ra nó vô cùng đặc biệt: vào buổi đêm, ngay trước khi Huấn Cao ra pháp trường đối mặt với cái chết. Huấn Cao đã viết chữ tặng viên quản ngục ngay trong ngục tù hôi hám, bẩn thỉu.
Cái đẹp được sáng tạo giữa chốn nhơ bẩn, thiên lương cao cả toả sáng ở nơi bóng tối và cái ác ngự trị. Huấn Cao – một người tù với cổ đeo gông, chân vướng xiềng – đang dậm tô những nét chữ tài hoa với tư thế đĩnh đạc, hiên ngang. Viên quản ngục – người đại diện cho sự thống trị – lại trong tư thế khúm núm, kính cẩn xin chữ.
Dù đối lập về hoàn cảnh, họ lại tìm thấy sự đồng điệu giữa một con người tài hoa tạo ra cái đẹp và một người say mê, trân trọng cái đẹp. Qua đó, tác giả gửi gắm thông điệp: cái đẹp luôn toả sáng trong mọi hoàn cảnh, cái đẹp có sức cảm hóa và chiến thắng cái xấu, cái ác.
Trên đây là bài hướng dẫn chi tiết Soạn bài Chữ người tử tù trong chương trình Ngữ văn 10 tập 1 sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Các bạn hãy tham khảo kỹ và chuẩn bị bài soạn sắp tới thật tốt nhé!
Tác giả:
thaovy
Chào các bạn! Mình là Thảo Vy - Sinh viên K28 - Đại học Sư phạm Hà Nội. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, chuyên môn vững vàng, phương pháp sư phạm hiện đại và nhiệt huyết làm nghề hy vọng sẽ giúp các em đạt kết quả tốt nhất.