Soạn bài Thu hứng ngắn nhất – Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức

Home » Lớp 10 » Ngữ Văn 10 » Soạn bài Thu hứng ngắn nhất – Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức

Thu hứng không chỉ là bức tranh miêu tả khung cảnh mùa thu ảm đạm, lạnh lẽo mà còn phản ánh những xúc cảm sâu lắng của thi sĩ Đỗ Phủ khi nhớ về quê nhà. Để hiểu rõ hơn bối cảnh và tâm tư của nhà thơ trong tác phẩm này, hãy tham khảo soạn bài Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) sách Kết nối tri thức mà Kiến Thức THPT sẽ giới thiệu trong bài viết dưới đây.

Trước khi đọc – Soạn bài Thu Hứng

Câu hỏi 1 trang 47 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Bạn đã được làm quen với một số bài thơ Đường luật trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học cơ sở. Hãy chia sẻ ấn tượng của bạn về đặc điểm hình thức cũng như nội dung của những bài thơ thuộc thể loại này.

Lời giải chi tiết:

Ấn tượng về hình thức và nội dung của những bài thơ Đường luật đã học như sau:

  • Về mặt hình thức: Các bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn bát cú Đường luật (với bố cục gồm đề, thực, luận, kết). Cả hai thể thơ này đều tuân theo những quy tắc rất chặt chẽ về luật, niêm và vần (theo quy luật bằng trắc) cùng với cấu trúc rõ ràng.
  • Về mặt nội dung: Thơ Đường luật thường được chia thành bốn phần: Đề, Thực, Luận, Kết.

Câu hỏi 2 trang 47 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Bạn đã bao giờ xa gia đình và thấy nhớ nhà? Nếu có thể, hãy chia sẻ trái nghiệm ấy của bạn.

Lời giải chi tiết:

Tôi đã có dịp xa nhà trong chuyến tình nguyện mùa hè năm ngoái. Chuyến đi ấy đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm và mang đến những trải nghiệm thú vị. Trong suốt một tháng đó, tôi cảm thấy khá nhớ nhà nên thường xuyên gọi điện về hỏi thăm người thân. Nhờ vậy, tôi đã phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà. Sau chuyến đi xa ấy, tôi thậm chí còn trân trọng gia đình hơn.

Trong khi đọc – Soạn bài Thu Hứng

Câu hỏi 1 trang 48 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Khung cảnh mùa thu được tái hiện trong bài thơ (màu sắc, không khí, trạng thái vận động của sự vật).

Lời giải chi tiết:

Khung cảnh mùa thu được miêu tả trong bài thơ như sau:

  • Về màu sắc: Sương trắng phủ kín trời, lòng sông xanh thẳm, mây bạc lơ lửng. Những gam màu này mang đến cảm giác lạnh lẽo.
  • Về không khí: Bầu không khí u ám, cô tịch, u buồn, ảm đạm và thê lương. Khung cảnh núi non rộng lớn, lòng sông sâu thẳm, mây mù bao phủ đỉnh núi xa xôi.
  • Về trạng thái vận động của sự vật: Các sự vật chuyển động mạnh mẽ, như làm không gian co rút lại, khiến trời đất như đảo lộn.

→ Cảnh mùa thu mang đầy nỗi buồn và ảm đạm, được nhìn từ xa, rộng và toàn cảnh, khơi gợi nỗi sầu buồn, trầm uất.

Soạn bài Thu hứng

Câu hỏi 2 trang 48 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Hãy nhận diện phép đối trong cả nguyên tác và bản dịch nghĩa trong các cặp câu thơ 3 – 4 và 5 – 6.

Lời giải chi tiết:

Phép đối trong cặp câu thơ 3 – 4: “sóng – vọt lên tận trời” (thấp – cao), “mây – sa sầm xuống mặt đất” (cao – thấp), qua đó mở ra một không gian rộng lớn và đa chiều:

  • Chiều cao: sóng vọt lên tới lưng trời, mây hạ xuống sát mặt đất.
  • Chiều sâu: sâu thẳm không đo đếm được.
  • Chiều xa: mở ra cảnh cửa ải xa xôi.

→ Không gian trở nên hùng vĩ và tráng lệ.

Cặp câu thơ 5 – 6: Đối giữa “tùng cúc” với “cô chu”; “lưỡng khai” với “nhất hệ”; “tha nhật lệ” với “cố viên tâm.” Phép đối được sử dụng giữa khóm cúc và con thuyền; “hai lần” với “lẻ loi”; “rơi nước mắt” và “nhớ về vườn xưa.”

→ Sự đối lập cân đối này thể hiện rõ ràng tâm trạng của nhà thơ.

Câu hỏi 3 trang 48 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Âm thanh của tiếng dao thước may áo, tiếng chày đập vải gợi ra không khí gì?

Lời giải chi tiết:

Âm thanh của tiếng chày đập vải và tiếng dao thước may áo rét gửi người xa xứ khiến tác giả (cũng là một người đang sống xa quê, lưu lạc, nghèo khổ) cảm thấy chạnh lòng, khơi dậy trong ông nỗi ngậm ngùi, xót xa cho số phận của mình. Những âm thanh đó gợi lên bầu không khí đầy đau thương, chất chứa nỗi buồn nhớ quê hương của tác giả.

Sau khi đọc – Soạn bài Thu Hứng ngắn nhất

Câu hỏi 1 trang 49 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Mô tả một số đặc điểm cơ bản của thơ Đường luật (bố cục, cách gieo vần, luật bằng – trắc, phép đối) được thể hiện trong bài thơ Thu hứng.

Lời giải chi tiết:

  • Bố cục của bài thơ có thể được chia thành 4 phần: đề, thực, luận, và kết.
  • Cách gieo vần: sử dụng vần bằng tại các câu 1, 2, 4, 6, 8 với các âm như: lâm, sâm, âm, tâm, châm.
  • Quy tắc bằng – trắc: Nếu tiếng thứ 2 mang thanh bằng, thì tiếng thứ 4 sẽ mang thanh trắc, tiếng thứ 6 thanh bằng, và ngược lại ở dòng tiếp theo:

Câu 1: T T B B T T B (v)

Câu 2: B B T T T B B (v)

Câu 3: B B T T B B T

Câu 4: T T B B T T B (v)

Câu 5: T T B B B T T

Câu 6: B B T T T B B (v)

Câu 7: B B T T B B T

Câu 8: T T B B T T B (v)

Ví dụ: Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

           T             B                  T

Câu hỏi 2 trang 49 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Đối chiếu hai bản dịch thơ với nguyên văn (thông qua bản dịch nghĩa), từ đó, chỉ ra những chỗ hai bản dịch thơ có thể chưa diễn đạt hết sắc thái và ý nghĩa của nguyên văn.

Lời giải chi tiết:

So sánh bản dịch 1 với nguyên văn:

– Ở câu thơ đầu, từ “điêu thương” trong nguyên tác là một tính từ đã được động từ hóa để thể hiện sự tàn phá khắc nghiệt của sương giá đối với rừng phong. Tuy nhiên, trong bản dịch thơ, hình ảnh này lại được diễn tả một cách nhẹ nhàng hơn.

– Ở câu 2, bản dịch không nhắc đến hai địa danh Vu sơn và Vu giáp. Từ “tiêu sâm” trong nguyên tác diễn tả sự tiêu điều, lạnh lẽo, thê lương của không khí và cảnh vật mùa thu, nhưng cụm từ “khí thu lòa” trong bản dịch chưa truyền tải được đầy đủ ý nghĩa này.

– Ở câu 3, từ “thẳm” trong bản dịch làm cho âm hưởng của câu thơ trở nên trầm lắng hơn so với nguyên tác.

– Ở câu 5, bản dịch đã bỏ qua từ “lưỡng khai” chỉ số lần, điều này làm mất đi ý nghĩa mà nhà thơ muốn nhấn mạnh trong nguyên tác.

– Ở câu 6, bản dịch đã bỏ sót từ “cô” chỉ sự lẻ loi, đơn độc, làm giảm đi dụng ý mà nhà thơ muốn truyền tải trong nguyên tác.

So sánh bản dịch 2 với nguyên văn:

– Câu thơ đầu trong bản dịch 2 cũng tương tự như bản dịch 1, chưa làm rõ được sự tác động mạnh mẽ của sương giá lên rừng phong, đối tượng bị tàn phá nặng nề trong nguyên tác.

– Ở câu 2, từ “tiêu sâm” trong nguyên tác thể hiện sự tiêu điều, lạnh lẽo và u ám của không khí và cảnh vật mùa thu, nhưng cụm từ “khí thu dày” trong bản dịch vẫn chưa thể hiện hết ý nghĩa này.

Câu hỏi 3 trang 49 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Những hình ảnh và từ ngữ nào được dùng để gợi không khí cảnh thu trong bốn câu đầu của bài thơ? Khung cảnh mùa thu này có thể gợi cho bạn những ấn tượng gì?

Lời giải chi tiết:

– Những hình ảnh và từ ngữ dùng để gợi lên không khí mùa thu trong bốn câu đầu:

  • “Rừng phong lác đác, hạt móc sa”: khơi gợi cảm giác xơ xác, tiêu điều.
  • “Vu sơn, Vu giáp”: các hẻm núi Vu hiểm trở, hùng vĩ dựng đứng, khiến ánh mặt trời khó xuyên qua tới lòng sông.
  • “Khí tiêu sâm”: không khí mùa thu hiu hắt, ảm đạm.

– Hình ảnh đối lập: sóng vọt lên tận lưng trời – mây sa xuống mặt đất, tạo cảm giác chuyển động từ cao xuống thấp.

→ Bức tranh mùa thu tuy rộng lớn nhưng lại mang đầy vẻ xơ xác, tiêu điều.

– Khung cảnh mùa thu này khơi gợi ấn tượng về một mùa thu hoang vắng, thiên nhiên dữ dội và hoang dã, đồng thời thể hiện tâm trạng buồn lo và sự bất an của nhà thơ trước hiện thực tiêu điều và u ám.

>> Xem thêm: Soạn bài Chữ người tử tù

Câu hỏi 4 trang 49 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Qua các từ ngữ và hình ảnh ở hai câu thơ 5 – 6, người đọc có thể nhận biết được điều gì về nhân vật trữ tình.

Lời giải chi tiết:

– Nhân vật trữ tình được thể hiện qua:

+ Hình ảnh ẩn dụ và tượng trưng:

  • Hoa cúc: Hình ảnh tượng trưng cho mùa thu.
  • Khóm cúc nở hoa hai lần: Có hai cách hiểu, một là khóm cúc nở hoa khiến tác giả rơi lệ, hai là khóm cúc như chính là giọt nước mắt rơi.
  • “Cô phàm”: Con thuyền cô đơn này là phương tiện giúp tác giả trở về “cố viên” (vườn cũ), đồng thời gợi lên thân phận lẻ loi, cô độc và phiêu bạt của tác giả.

+ Cách sử dụng từ ngữ độc đáo, súc tích và cô đọng:

  • “Lưỡng khai”: Thể hiện nỗi buồn sâu lắng kéo dài từ quá khứ đến hiện tại.
  • “Nhất hệ”: Dây buộc thuyền cũng là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình của tác giả.
  • “Cố viên tâm”: Tấm lòng luôn hướng về quê hương. Sự tha hương, xa cách khiến nhà thơ luôn nặng lòng vì nỗi nhớ quê.

Câu hỏi 5 trang 49 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Việc mô tả khung cảnh sinh hoạt của con người ở hai câu thơ kết có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình?

Lời giải chi tiết:

Việc miêu tả cảnh sinh hoạt của con người trong hai câu thơ kết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình: Hai câu thơ cuối, với âm thanh dồn dập của tiếng chày đập vải bên sông trong ánh hoàng hôn, đã mang lại cho bức tranh sinh hoạt nơi đây một chút niềm vui của cuộc sống. Tuy nhiên, niềm vui đó không khiến tâm hồn thi sĩ trở nên phấn chấn, mà ngược lại, nó làm tăng thêm nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết.

→ Việc miêu tả khung cảnh này có ý nghĩa sâu sắc trong việc thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Câu hỏi 6 trang 49 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Thu hứng được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt của cuộc đời Đỗ Phủ. Phải chăng tác phẩm chỉ thể hiện nỗi niềm thân phận cá nhân của nhà thơ?

Lời giải chi tiết:

“Thu hứng” được sáng tác trong một giai đoạn đặc biệt của cuộc đời Đỗ Phủ. Bài thơ ra đời vào năm 766, khi ông đang cùng gia đình chạy loạn. Tuy nhiên, bài thơ không chỉ phản ánh nỗi niềm và số phận riêng của nhà thơ mà còn là tiếng lòng, lời tâm sự tha thiết về nỗi buồn và nhớ quê hương sâu sắc của những người xa xứ. Đỗ Phủ đã thay mặt biết bao con người khác, cất lên tiếng nói về nỗi đau ấy.

Câu hỏi 7 trang 49 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Có ý kiến cho rằng câu thơ nào trong bài thơ cũng thể hiện cảm xúc về mùa thu, nỗi niềm tâm sự của tác giả trong mùa thu. Bạn nghĩ gì về ý kiến này?

Lời giải chi tiết:

Nhận định mỗi câu thơ trong bài đều thể hiện cảm xúc về mùa thu và nỗi niềm của tác giả là chưa chính xác. Thực tế, bốn câu thơ đầu chủ yếu miêu tả cảnh sắc mùa thu, trong khi bốn câu thơ sau lại thể hiện tâm sự và nỗi lòng của nhà thơ. Những tâm sự này cũng phản ánh ước mơ và nỗi đau của nhiều người nghèo khổ, bị buộc phải rời xa quê hương do cuộc sống loạn lạc.

>> Xem thêm: Soạn bài Chùm thơ hai-cư

Kết nối đọc – viết

Câu hỏi trang 49 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1: Những yếu tố làm nên đặc trưng và sức hấp dẫn của thơ Đường luật và thơ hai – cư có nhiều điểm gần gũi nhau. Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về những điểm tương đồng ấy.

Lời giải chi tiết:

Những yếu tố tạo nên đặc trưng và sức cuốn hút của thơ Đường luật và thơ haiku có nhiều điểm tương đồng. Nổi bật nhất là sự tiết kiệm ngôn từ. Cả hai thể loại này đều là thơ trữ tình, với lời ít nhưng ý nhiều. Các nhà thơ chú trọng vào việc tạo ra những khoảng trống giữa bề mặt ngôn ngữ và các tầng ý nghĩa sâu xa ẩn chứa bên trong.

Người đọc có nhiệm vụ kết nối các mảnh ghép ngôn từ và khám phá tư tưởng triết lý của nhà thơ qua những sáng tạo nghệ thuật. Thơ hai cư thường biểu đạt những rung động của con người trước thiên nhiên qua các hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng và mang tính tượng trưng, trong khi thơ Đường luật sử dụng những hình ảnh ước lệ tượng trưng. Cả hai thể loại đều hướng đến việc tả ít, gợi nhiều, thể hiện một cách gián tiếp thay vì trực tiếp, từ đó mở ra không gian để người đọc tự cảm nhận và suy ngẫm về bài thơ.

Trên đây là soạn bài Thu Hứng ngắn nhất, được tổng hợp và biên soạn bởi kienthucthpt.com. Hãy theo dõi chúng tôi thường xuyên để cập nhật những bài viết mới nhất trong chuỗi bài Soạn văn 10 “Kết nối tri thức với cuộc sống” nhé!

Tác giả:

Chào các bạn! Mình là Thảo Vy - Sinh viên K28 - Đại học Sư phạm Hà Nội. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, chuyên môn vững vàng, phương pháp sư phạm hiện đại và nhiệt huyết làm nghề hy vọng sẽ giúp các em đạt kết quả tốt nhất.

Bài viết liên quan

Bạn là fan của Baby Three đang hot trend hiện nay? Bạn muốn tìm những hình nền độc đáo, chất lượng cao để thể hiện cá tính của mình? Hãy…

09/01/2025

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mọi vật đều bị Trái Đất hút không? Tìm hiểu khái niệm trọng lực, công thức tính trọng lực và các ứng…

09/01/2025

Bạn đang tìm một tài liệu tổng hợp đầy đủ để ôn tập và làm bài tập Lịch sử 11 bài 1? Tại đây, chúng tôi cung cấp cho bạn…

08/01/2025