Soạn văn Yêu và Đồng cảm giúp tóm gọn bài học này và giúp các em hpjc sinh hiểu được các ý nghĩa mà tác giả đã gửi gắm trong bài học. Với thông điệp sâu sắc về tình yêu thương và sự đồng cảm, bài học không chỉ cung cấp kiến thức văn học mà còn giáo dục giá trị nhân văn.
Trong bài viết này Kiến thức THPT sẽ hướng dẫn bạn soạn bài Yêu và Đồng cảm một cách chi tiết, ngắn gọn giúp bạn hiểu rõ nội dung và hoàn thành tốt các bài tập.
Trước khi đọc
Trả lời câu hỏi trang 76 Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức
- Bạn hiểu thế nào về sự đồng cảm trong cuộc sống? Khi bày tỏ sự đồng cảm với người khác hoặc khi nhận được sự đồng cảm của ai đó, bạn có tâm trạng như thế nào?
Sự đồng cảm chính là thái độ biết tôn trọng, thấu hiểu, yêu thương và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người trong cuộc sống. Mỗi khi bày tỏ sự đồng cảm với ai đó hoặc nhận được sự đồng cảm từ người khác, tôi cảm thấy niềm vui, sự nhẹ nhõm và thoải mái trong tâm hồn.
- Bạn thường có cảm xúc gì mỗi lần tiếp xúc với một tác phẩm nghệ thuật (văn học, hội họa, âm nhạc, …)? thử lý giải vì sao bạn có cảm xúc ấy?
Khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, tôi thường có cảm giác ngưỡng mộ và suy tư, tự đặt ra những câu hỏi về giá trị mà tác phẩm ấy truyền tải.
Trong khi đọc
1.Tác giả mở đầu bài viết bằng một câu chuyện, điều đó gây được ấn tượng gì với bạn?
Việc bắt đầu bài viết bằng một câu chuyện có khả năng khơi gợi sự tò mò của người đọc sẽ khiến họ muốn tìm hiểu xem câu chuyện đó dẫn dắt đến điều gì tiếp theo.
2. Tác giả phục chú bé vì sự chăm chỉ hay vì điều gì khác?
Tác giả cảm phục cậu bé bởi cậu có một tấm lòng đồng cảm sâu sắc.
3. Góc nhìn riêng về sự vật dược thể hiện thế nào ở những người có nghề nghiệp khác nhau?
Trước một gốc cây, nhà khoa học nhìn thấy tính chất và trạng thái của nó, bác làm vườn nhận ra sức sống của nó, chú thợ mộc để ý đến chất liệu của nó, còn anh họa sĩ lại cảm nhận được dáng vẻ của nó. Ba người đầu tiên đều có mục đích cụ thể, họ nghĩ đến mối quan hệ nhân quả với cái cây, trong khi anh họa sĩ chỉ đơn giản tận hưởng dáng vẻ hiện tại của cái cây mà không có mục đích nào khác.
4. Phải chăng đồng cảm là một phẩm chất không thể thiếu ở người nghệ sĩ?
Sự đồng cảm là một phẩm chất không thể thiếu đối với người nghệ sĩ. Một họa sĩ nếu chỉ chú trọng đến kỹ thuật vẽ mà thiếu đi sự đồng cảm thì sẽ khó có thể trở thành một nghệ sĩ thực thụ. Chính nhờ có tấm lòng đồng cảm, người họa sĩ mới sở hữu được nguồn sức mạnh tinh thần dồi dào và phong phú.
5. Trong sáng tạo nghệ thuật, sự đồng cảm được biểu hiện như thế nào?
Trong sáng tạo nghệ thuật, sự đồng cảm không chỉ giới hạn ở con người mà còn lan tỏa đến mọi sinh vật và vật vô tri trên thế giới. Trong thế giới của nghệ thuật, cỏ cây, chó ngựa hay hoa lá đều mang linh hồn, biết vui biết buồn. Người nghệ sĩ cần mở rộng lòng mình để đồng cảm sâu sắc hơn với vạn vật, tự mình cảm nhận sức sống của chúng. Khi tấm lòng nghệ sĩ hòa cùng vạn vật, mọi thứ sẽ tự nhiên khắc sâu vào tâm trí họ.
6. Người sáng tạo nghệ thuật học được ở trẻ em những điều gì?
Trẻ em khác người lớn ở chỗ chúng rất giàu lòng đồng cảm. Không chỉ đồng cảm với con người, trẻ em còn tự nhiên thể hiện sự đồng cảm với mọi vật xung quanh như chó mèo, hoa lá, chim cá hay bướm sâu. Tấm lòng của chúng chân thành và tự nhiên hơn nhiều so với các nghệ sĩ. Trẻ em thường chú ý đến những điều mà người lớn thường bỏ qua, phát hiện ra những chi tiết mà người lớn không nhận ra.
Trả lời câu hỏi sau khi đọc trang 81
Câu 1 Soạn văn Yêu và đồng cảm SGK Ngữ Văn 10 trang 81
Câu hỏi: Tìm trong văn bản những đoạn, những câu nói về trẻ em và tuổi thơ. Vì sao tác giả lại nhắc nhiều đến trẻ em và tuổi thơ như vậy?
Những đoạn văn nói về trẻ thơ, tuổi thơ:
Đoạn 1, 5, 6 là những đoạn văn tập trung miêu tả trẻ em và tuổi thơ, nhấn mạnh đến sự nhạy cảm, đồng cảm tự nhiên, và khả năng cảm nhận nghệ thuật của trẻ.
Những câu nói về trẻ thơ:
- Trẻ em phần lớn rất giàu lòng đồng cảm.
Câu này khẳng định bản chất tự nhiên của trẻ em là sự nhạy cảm và khả năng thấu hiểu cảm xúc của mọi thứ xung quanh.
- Chúng không chỉ đồng cảm với con người mà bằng một cách hết sức tự nhiên, còn đồng cảm với hết thảy sự vật như chó mèo, hoa cỏ, chim cá, bướm sâu,… Tấm lòng chúng chân thành mà tự nhiên hơn nghệ sĩ nhiều. Chúng thường để ý đến những việc mà người lớn không chú tâm đến, phát hiện ra những điểm mà người lớn không phát hiện được.
Câu này mô tả chi tiết cách trẻ em kết nối và thấu hiểu không chỉ con người mà cả thế giới xung quanh, từ đó cho thấy khả năng cảm nhận nghệ thuật sâu sắc của chúng.
- Bản chất của trẻ em là nghệ thuật.
Trẻ em được ví như hiện thân của nghệ thuật bởi sự hồn nhiên, tự nhiên và chân thành trong cảm xúc cũng như cách nhìn nhận thế giới.
- Tuổi thơ quả là thời hoàng kim trong đời người.
Câu này nhấn mạnh tuổi thơ là giai đoạn đẹp đẽ và quý giá nhất trong cuộc đời, khi con người dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới.
Ý nghĩa việc tác giả nhắc đến trẻ em và tuổi thơ:
- Tác giả nhắc nhiều đến trẻ em và tuổi thơ nhằm nhấn mạnh nghệ thuật chân chính là nghệ thuật qua cái nhìn của trẻ em.
- Nghệ thuật qua đôi mắt trẻ thơ là nghệ thuật chân thật và thuần khiết nhất. Trẻ em cảm nhận thế giới một cách tự nhiên, không bị chi phối bởi mục đích hay định kiến, vì vậy những cảm xúc và cái nhìn của chúng là hình mẫu cho nghệ thuật đích thực.
- Tuổi thơ là thời kỳ hoàng kim để cảm nhận vẻ đẹp. Đó là lúc con người dễ dàng đón nhận và thưởng thức cái đẹp một cách trọn vẹn nhất, không bị rào cản bởi những toan tính của cuộc sống trưởng thành.
Câu 2 trang 81 SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức
Câu hỏi: Mặc dù không ít lần nói tới danh xưng “họa sĩ”, nhưng trên thực tế, điều tác giả muốn bàn luận không chỉ bó hẹp trong phạm vi hội họa. Những từ ngữ nào trong văn bản đã giúp bạn nhận ra điều đó?
Tác giả không chỉ giới hạn trong lĩnh vực hội họa khi nhắc đến danh xưng họa sĩ, mà còn mở rộng ý nghĩa để chỉ những người hoạt động nghệ thuật nói chung.
Một số câu trích dẫn làm rõ ý:
- Đoạn 2: “Bởi vậy, thế giới mà nghệ sĩ thấy có thể coi là một thế giới đại đồng, bình đẳng. Tấm lòng của nghệ sĩ đối với mọi sự vật trên đời đều đồng cảm và nhiệt thành.”
- Đoạn 3: “Do đó, nghệ sĩ lớn ắt là những người có nhân cách vĩ đại.”
- Đoạn 4: “Đây là cảnh giới ‘ta và vật một thể’, vạn vật đều thu cả vào tâm trí của người nghệ sĩ.”
- Đoạn 5: “Chỉ có kẻ thông minh mới không khuất phục, dù bên ngoài chịu đủ thứ áp bức thì bên trong vẫn giữ được lòng đồng cảm đáng quý. Những người ấy chính là nghệ sĩ.”
Câu 3 Ngữ Văn 10 Tập 1 trang 81
Câu hỏi: Xác định nội dung trọng tâm của từng phần đã được đánh số trong văn bản và đánh giá sự liên kết giữa các phần.
Nội dung của từng đoạn:
- Đoạn 1: Giới thiệu câu chuyện về cậu bé với tấm lòng đồng cảm sâu sắc đối với mọi vật xung quanh.
- Đoạn 2: Trình bày góc nhìn riêng của người nghệ sĩ về sự vật, so sánh với cách nhìn nhận của các nghề nghiệp khác.
- Đoạn 3: Khẳng định rằng đồng cảm là một phẩm chất thiết yếu, quan trọng đối với người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo.
- Đoạn 4: Mô tả những biểu hiện cụ thể của sự đồng cảm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
- Đoạn 5: Nhấn mạnh rằng bản chất của trẻ em chính là nghệ thuật, với sự đồng cảm và nhìn nhận thuần khiết.
- Đoạn 6: Nêu rõ ý nghĩa của việc đặt tình cảm và sự chân thành vào trong các tác phẩm nghệ thuật.
Mối liên hệ giữa các phần:
Nội dung của các đoạn được liên kết chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau. Đoạn 1 đóng vai trò như tiền đề, gợi mở vấn đề về sự đồng cảm trong nghệ thuật. Đoạn 2 làm rõ vấn đề chính bằng cách so sánh cách nhìn nhận nghệ thuật của người nghệ sĩ với các ngành nghề khác. Đoạn 3 nêu bật vai trò của sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật, còn đoạn 4 đi sâu vào những biểu hiện cụ thể của phẩm chất này. Đoạn 5 và đoạn 6 chứng minh rằng sự đồng cảm, trong sáng nhất, được thể hiện rõ ràng qua thế giới và cách nhìn của trẻ thơ, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của tình cảm trong việc tạo nên nghệ thuật chân chính.
Câu 4 Ngữ Văn 10 Tập 1 Sách mới
Câu hỏi: Tác giả đã nêu lên những lí lẽ, bằng chứng nào để khẳng định tầm quan trọng của sự đồng cảm trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật?
Lý lẽ: Nếu không có một tấm lòng đồng cảm rộng lớn mà chỉ chú trọng vào kỹ thuật vẽ, chắc chắn người đó không thể trở thành một họa sĩ đích thực. Dù có vẽ được tranh, họ cũng chỉ dừng lại ở mức độ thợ vẽ.
Dẫn chứng: Người họa sĩ phải đưa trái tim mình trở về trạng thái hồn nhiên như trẻ nhỏ để miêu tả trẻ em, và cũng phải đặt cảm xúc của mình vào nỗi đau khổ của người ăn mày để khắc họa họ một cách chân thực.
Lý lẽ: Chính nhờ sở hữu tấm lòng đồng cảm bao la mà người họa sĩ có được sức mạnh tinh thần dồi dào và phong phú, trở thành nguồn cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật.
Dẫn chứng: Nếu trái tim họa sĩ không đủ rộng lớn để đồng điệu với anh hùng, họ không thể mô tả được anh hùng; nếu không đủ mềm mại, dịu dàng để hòa nhịp cùng thiếu nữ, họ cũng không thể khắc họa thiếu nữ một cách chân thật.
Câu 5 soạn Văn lớp 10 bài Yêu và đồng cảm
Câu hỏi: Tác giả đã phát hiện ra những điều tương đồng gì giữa trẻ em và người nghệ sĩ? Sự khâm phục, trân trọng trẻ em của tác giả được hình thành trên cơ sở nào?
Điểm chung giữa trẻ em và người nghệ sĩ chính là sự giàu có về lòng đồng cảm.
Sự khâm phục và trân trọng của tác giả dành cho trẻ em bắt nguồn từ việc nhận ra rằng “bản chất của trẻ thơ chính là nghệ thuật”. Trẻ em không chỉ đồng cảm với con người mà còn, một cách hoàn toàn tự nhiên, thể hiện sự đồng cảm với mọi vật xung quanh như chó mèo, cây cỏ, hoa lá, chim cá hay bướm sâu. Chúng hồn nhiên trò chuyện với chó mèo, vui đùa với cây cỏ và chơi búp bê với một tấm lòng chân thành, tự nhiên, thậm chí còn vượt xa sự tinh tế của người nghệ sĩ.
Câu 6 soạn Văn bài Yêu và đồng cảm Ngữ Văn 10 trang 81
Câu hỏi: Theo bạn, nếu không có đoạn kể về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc ở phần 1, sức hấp dẫn, thuyết phục của văn bản Yêu và đồng cảm sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Nếu thiếu đoạn kể về cậu bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc ở phần đầu, người đọc sẽ khó nhận ra mối liên hệ giữa trẻ em và nghệ thuật mà tác giả muốn truyền tải trong văn bản. Câu chuyện mở đầu đóng vai trò tiền đề, giúp người đọc hiểu rằng trẻ em có lòng đồng cảm phong phú và bản chất của trẻ em chính là nghệ thuật. Vì vậy, nếu bỏ qua câu chuyện này, văn bản sẽ mất đi phần nào sự hấp dẫn và tính thuyết phục.
Câu 7 trang 81 SGK Ngữ Văn 10 Tập 1
Câu hỏi: Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non” (Đôi mắt xanh non, trong tập Riêng chung, NXB Văn học, Hà Nội, 1960). Dựa vào nội dung văn bản Yêu và đồng cảm, hãy thử nêu lý do khiến nhà thơ Xuân Diệu đề nghị như vậy.
Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non.” Câu nói này thể hiện quan điểm của ông về sáng tạo nghệ thuật. “Đôi mắt xanh non” tượng trưng cho cái nhìn tươi trẻ, chân thật, hồn nhiên và đầy sức sống. Qua lời nhận định này, Xuân Diệu gửi gắm thông điệp rằng trong sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ cần không ngừng sáng tạo và đổi mới, tránh lặp lại người khác hoặc chính bản thân mình. Họ cần nhìn nghệ thuật bằng ánh mắt chân thành nhất để tạo nên những giá trị độc đáo.
Kết nối với đọc – viết
Câu hỏi Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức trang 81
Sự đồng cảm tạo nên vẻ đẹp gắn kết của thế giới. Hãy viết đoạn văn khoảng 150 chữ về chủ đề này.
Gợi ý làm bài
Sự đồng cảm là thái độ biết tôn trọng, thấu hiểu và sẻ chia giữa con người với nhau và với mọi sự vật xung quanh. Trong cuộc sống, đồng cảm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ giúp cuộc đời mỗi người trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn, mà còn tạo sự gắn kết giữa con người với nhau và giữa con người với thế giới. Đồng cảm là khi ta biết trân trọng cuộc sống của chính mình, từ đó tôn trọng cuộc sống của những người xung quanh. Đồng thời, đồng cảm cũng thể hiện qua khả năng cảm nhận vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong vạn vật, luôn tìm kiếm những giá trị chân, thiện, mỹ. Một xã hội giàu lòng đồng cảm là một xã hội văn minh và phát triển. Vì vậy, hãy nuôi dưỡng tâm hồn bằng cách mở rộng lòng mình, yêu thương bản thân và những người xung quanh, trân trọng cuộc sống và bảo vệ cái đẹp một cách có ý thức.
Bài Yêu và Đồng cảm đã được trình bày rõ ràng qua hướng dẫn chi tiết trong bài viết này. Hy vọng bạn đã hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của bài học. Hãy chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích, và đừng quên khám phá thêm những bài học khác để học tốt hơn!
<< Xem thêm>> Soạn bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia – Ngữ văn 10