Tiểu sử tác giả Nguyễn Du
– Ông sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766. Mất ngày 16 tháng 9 năm 1820.
– Tên viết theo chữ Hán: 阮攸.
– Tên tự: Tố Như (素如), hiệu là Thanh Hiên (清軒).
– Biệt hiệu: Hồng Sơn lạp hộ (鴻山獵戶), Nam Hải điếu đồ (南海釣屠).
– Quê quán: làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
– Gia đình: Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708 – 1776), đỗ nhị giáp Tiến sĩ, sau này làm quan đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều nhà Lê.
Sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du
– Năm Quý Mão (1783), Nguyễn Du thi Hương tại trường Sơn Nam, đậu Tam trường (Sinh đồ). Ông được tập ấm chức Chánh Thủ hiệu quân hùng hậu hiệu, làm quyền Trấn thủ Thái Nguyên thay anh trai cùng cha khác mẹ Nguyễn Khản.
– Cuối năm 1790, sau ba năm phiêu bạt nơi đất khách, Nguyễn Du trở về Thăng Long.
– Năm Quý Hợi (1803), Nguyễn Du đem quân lương từ Quỳnh Hải đi đón vua Gia Long ra thăm đất Bắc. Khi đến Phù Dung, trấn Sơn Nam Thượng, ông gặp được vua Gia Long và được phong làm tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay là huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên).
– Vài tháng sau, ông được thăng chức tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Hà Nội), rồi được cử lên ải Nam Quan để tiếp đoàn sứ giả nhà Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long.
– Năm Ất Sửu (1805), ông được thăng chức Đông các học sĩ, tước Du Đức hầu và làm việc tại kinh đô Phú Xuân.
– Năm Đinh Mão (1807), ông được cử làm giám khảo kỳ thi Hương tại Hải Dương.
– Mùa thu năm Mậu Thìn (1808), ông dâng tấu xin về quê nghỉ.
– Năm Kỷ Tỵ (1809), ông được bổ chức Cai bạ (hàm Tứ phẩm) tại Quảng Bình.
– Năm Quý Dậu (1813), ông được thăng chức Cần chánh điện học sĩ (chính Tam phẩm) và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh.
– Năm 1814, sau khi đi sứ về, ông được thăng chức Lễ bộ hữu Tham tri (tòng Nhị phẩm).
– Năm Bính Tý (1816), vì cháu rể Nguyễn Du là Vũ Trinh có liên quan đến vụ án cha con Tổng trấn Nguyễn Văn Thành nên ông bị đày vào Quảng Nam.
– Năm Canh Thìn (1820), vua Gia Long băng hà, Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi, tức vua Minh Mạng. Nguyễn Du được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch tả và qua đời ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (tức 16 tháng 9 năm 1820).
>> Xem thêm: Kết bài Vợ Nhặt hay nhất chọn lọc
Những tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du
– Tác phẩm bằng chữ Hán:
- Thanh Hiên tiền hậu tập (sáng tác chủ yếu trong những năm trước khi Nguyễn Du làm quan dưới triều nhà Nguyễn).
- Nam trung tạp ngâm (viết trong khoảng từ năm 1805 đến cuối năm 1812, khi ông đang làm quan ở Huế, Quảng Bình và các địa phương phía nam Hà Tĩnh).
- Bắc hành tạp lục (tập thơ viết trong thời gian ông đi sứ sang Trung Quốc).
– Tác phẩm bằng chữ Nôm:
- Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều)
- Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh)
- Thác lời trai phường nón
- Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ
Phong cách sáng tác của Nguyễn Du
Những tác phẩm của ông mang đậm màu sắc nghệ thuật dân tộc, sử dụng nhiều chất liệu văn hóa như ca dao, tục ngữ và thể thơ lục bát. Không chỉ vậy, các tác phẩm của ông còn đề cao cuộc sống, giá trị của con người, và lên án những bất công, hủ tục của xã hội cũ. Ngôn từ giàu tính biểu cảm và miêu tả đã đưa người đọc tới những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và những nơi sâu thẳm nhất của tâm tư con người.
Có thể nói, tác phẩm của ông không chỉ có giá trị nghệ thuật và nghiên cứu mà còn mang giá trị nhân đạo trong cuộc sống. Ông đã được người Việt kính trọng tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc” và được UNESCO công nhận, vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”.
>> Xem thêm: Tóm tắt tác phẩm Chí Phèo ngắn gọn hay nhất
Nhận định, đánh giá về tác giả Nguyễn Du
– Nhà thơ Ánh Tuyết từng phát biểu: “Hội Kiều học Việt Nam tại Thái Bình ra đời năm 2013 nhằm tuyên truyền, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Truyện Kiều, đồng thời nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu, những ý kiến phê bình và phát hiện về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Từ khi thành lập, Hội đã công bố hai cuốn sách ‘Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều’ tập 1 và tập 2, tập hợp nhiều bài nghiên cứu và sáng tác thể hiện tấm lòng của người Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Hy vọng đây sẽ là những tư liệu quý, góp phần vào quá trình nghiên cứu Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều.”
– Nhà thơ Lại Tây Dương nhận định rằng: ”Nhờ Đại thi hào Nguyễn Du, ngôn ngữ dân tộc Việt Nam trở nên lấp lánh, có hồn và tạo ra bản sắc riêng biệt. Truyện Kiều là một truyện thơ dài với hơn ba nghìn câu nhưng không câu nào ‘đuối’. Cách nhà thơ sử dụng ngôn ngữ thực sự mang tính phát hiện, sáng tạo và tài tình. Đọc, ngẫm và nghiên cứu Truyện Kiều, tôi đã học được cách dùng từ và sử dụng biện pháp tu từ đạt hiệu quả cao, từ đó vận dụng trong các sáng tác của mình.”
– Cán bộ tư pháp Vũ Văn Pho đã khẳng định: “Được học Truyện Kiều của Nguyễn Du trên ghế nhà trường, tôi thực sự tự hào vì đất nước mình có một kiệt tác văn học mang tầm thế giới. Đọc Truyện Kiều, nhìn về quá khứ, tôi thấy may mắn vì mình được sinh ra và lớn lên trong một xã hội đề cao quyền dân chủ, con người được tôn trọng và tự do trong tình yêu lứa đôi.”