Chắc chắn rằng không ai là không biết đến Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Tuy nhiên, Bác không chỉ là một lãnh tụ tài ba, mà còn là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc trong nền văn học Việt Nam. Hãy cùng Kiến thức THPT tìm hiểu thêm về tiểu sử Hồ Chí Minh – tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ của dân tộc trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về tác giả Hồ Chí Minh
Tóm tắt tiểu sử Hồ Chí Minh
– Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình yêu nước ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
– Ông học tại trường Quốc học Huế và sau đó dạy học ở Dục Thanh, Phan Thiết.
– Sớm có lòng yêu nước, năm 1911, ông ra đi tìm đường cứu nước.
– Ông đã hoạt động cách mạng ở nhiều nước như Pháp, Trung Quốc, Thái Lan…
– Ngày 3 tháng 2 năm 1930, ông thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Năm 1941, ông trở về nước và lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.
– Tháng 8 năm 1942, ông sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế nhưng bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam đến tháng 9 năm 1943.
– Sau khi ra tù, ông trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
– Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức vụ Chủ tịch nước.
– Ông đã lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
– Hồ Chí Minh từ trần ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội.
→ Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào quốc tế.
Sự nghiệp văn học của tác giả Hồ Chí Minh
Quan điểm sáng tác
– Hồ Chí Minh luôn coi văn học và nghệ thuật là những hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại. Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, và nghệ thuật là vũ khí chiến đấu.
– Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến tính chân thật và tính dân tộc trong các tác phẩm văn học. Người đã căn dặn các nhà văn phải “miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn” đúng với hiện thực đời sống, và luôn phải “giữ tình cảm chân thật”; “nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc” và đặc biệt là phải có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Người nghệ sĩ phải có sự sáng tạo và mới mẻ. Người luôn tự nhắc nhở “chớ gò bó họ vào khuôn, làm mất đi vẻ sáng tạo”.
– Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ mục đích và đối tượng tiếp nhận để dẫn đến quyết định nội dung và hình thức của các tác phẩm. Người luôn tự đặt ra câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, rồi sau đó mới quyết định “Viết cái gì?” và “Viết như thế nào?”.
Sự nghiệp sáng tác
– Văn chính luận: Trực tiếp dùng để phục vụ cho mục đích đấu tranh chính trị qua những giai đoạn cách mạng. Những áng văn chính luận của Hồ Chủ tịch không chỉ được viết bằng lý trí sáng suốt, trí tuệ thông minh sắc sảo mà còn bằng cả tấm lòng yêu, ghét nồng nàn, sâu sắc của một trái tim vĩ đại. Những tác phẩm tiêu biểu của Người bao gồm:
- Bản án chế độ thực dân Pháp viết bằng tiếng Pháp năm 1925
- Tuyên ngôn Độc lập viết và đọc vào năm 1945
- Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến viết vào năm 1946
- Không có gì quý hơn độc lập, tự do viết vào năm 1966
- Di chúc viết vào năm 1969
– Truyện – ký: được viết trong thời gian Người hoạt động cách mạng ở Pháp. Những truyện này hầu hết nhằm mục đích tố cáo tội ác tày trời, bản chất tàn bạo, bộ mặt xảo trá của bọn thực dân và phong kiến tay sai đối với người dân lao động ở các nước thuộc địa, đồng thời đề cao những tấm gương yêu nước và trung thành với cách mạng. Những tác phẩm tiêu biểu nhất:
- Lời than vãn của bà Trưng Trắc viết năm 1922
- Con người biết mùi hun khói viết năm 1922
- Vi hành viết năm 1923
- Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu viết năm 1925
- Nhật ký chìm tàu viết năm 1931…
– Thơ ca: Là lĩnh vực nổi bật và sáng giá nhất trong sự nghiệp văn chương của Người. Các tác phẩm nổi bật gồm:
- Nhật ký trong tù được viết bằng chữ Hán, gồm 133 bài, viết từ năm 1942 – 1943
- Thơ Hồ Chí Minh gồm 86 bài viết bằng tiếng Việt
- Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh gồm 36 bài
>> Xem thêm: Soạn văn 12 tuyên ngôn độc lập
Phong cách nghệ thuật
Tính đa dạng:
– Bác viết nhiều thể loại, sử dụng nhiều ngôn ngữ và mỗi thể loại đều có những nét độc đáo, hấp dẫn riêng.
– Văn chính luận: ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đa dạng về bút pháp.
– Truyện và ký: thể hiện tinh thần chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén.
– Thơ ca: gồm hai loại, mỗi loại có nét phong cách riêng.
Tính thống nhất:
– Cách viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị.
– Sử dụng linh hoạt các bút pháp nghệ thuật khác nhau.
– Hình tượng nghệ thuật vận động hướng về ánh sáng tương lai.
→ Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, là một bộ phận gắn bó hữu cơ với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Văn thơ của Người có tác dụng to lớn đối với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, đồng thời có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử và đời sống tinh thần của dân tộc.
Mẫu mở bài giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh
Bài số 1:
Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời là một nhà thơ lớn, một nhà văn với phong cách nghệ thuật độc đáo, đa dạng và thống nhất. Văn chính luận của ông thường ngắn gọn, súc tích, lập luận sắc bén, chặt chẽ, bằng chứng phong phú và đa dạng về bút pháp. Thơ nghệ thuật của Bác mang sự hòa hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, giữa chất thép và chất tình, giữa sự trong sáng, giản dị và sự hàm súc sâu sắc. Tiêu biểu chắc chắn phải kể đến những áng văn như: Nhật Ký trong tù (1942-1943), Tuyên ngôn độc lập (1945)… đã khắc sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt Nam.
Bài số 2
Hồ Chí Minh là một nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tự nhận là nhà văn, nhà thơ. Người chỉ coi mình là bạn thân của văn nghệ, người yêu văn nghệ. Nhưng chính hoàn cảnh thúc đẩy, nhiệm vụ cách mạng yêu cầu, môi trường xã hội và thiên nhiên gợi cảm, cùng với tài năng và tâm hồn đầy cảm xúc, Người đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị. Văn thơ của Hồ Chí Minh đạt đến trình độ sắc sảo và hùng biện hiếm có.
Trên đây là giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh và một số mở bài hay để các bạn tham khảo. Đừng quên xem thêm những kiến thức bổ ích khác trong chương trình văn lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia nhé!